Chắc hẳn bạn không còn quá xa lạ với lời khuyên: “Hãy theo đuổi đam mê!”. Thế nhưng đam mê có thực sự “vi diệu” như người ta vẫn nói? Có nên tìm kiếm đam mê không hay đó chỉ là những từ sáo rỗng? Và nếu quyết định theo đuổi, làm thế nào để tìm ra đam mê của chính mình và nuôi dưỡng nó một cách bền vững? Câu trả lời sẽ được WeBetter hé lộ trong bài viết dưới đây.
  1. Hãy theo đuổi đam mê có phải là lời khuyên thiếu thực tế?

Ai cũng từng nghe câu “Hãy theo đuổi đam mê” như một công thức vàng để đạt được thành công và hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, việc theo đuổi đam mê không phải lúc nào cũng đơn giản và không có câu trả lời đúng hay sai tuyệt đối. Mỗi người có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến quyết định của mình. Để biết có nên theo đuổi đam mê hay không, bạn cần xem xét những yếu tố quan trọng sau:

1.1. Nhu cầu hiện tại của bạn

Mỗi người đều có những nhu cầu khác nhau tại từng thời điểm trong cuộc sống và những nhu cầu này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định theo đuổi đam mê. Theo tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu của chúng ta được chia thành nhiều cấp độ từ cơ bản như an toàn, sinh lý cho đến cao hơn như sự tự thể hiện bản thân.
Nếu bạn đang phải lo lắng về nhu cầu sinh tồn cơ bản như cơm ăn, áo mặc thì có lẽ việc theo đuổi đam mê ngay lúc này không phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu bạn đã đạt được sự ổn định về tài chính và có nhu cầu khám phá bản thân, đam mê có thể là một con đường phù hợp.

Nhu cầu của mỗi người nên dựa theo tháp Maslow

1.2. Thời điểm trên dòng đời mỗi người

Không phải ai cũng tìm ra đam mê từ sớm, và điều đó hoàn toàn bình thường. Hành trình tìm kiếm đam mê của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn có chủ động tìm kiếm những dữ kiện “cần và đủ” để nuôi dưỡng đam mê hay không.
Đam mê không phải lúc nào cũng xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Đôi khi, nó đòi hỏi bạn phải trải qua nhiều thử thách và tích lũy kinh nghiệm sống. Đừng lo lắng nếu bạn chưa tìm ra đam mê ở tuổi 20 hay 30. Quan trọng là bạn đang liên tục học hỏi, thử nghiệm và tìm kiếm cơ hội mới.

 

1.3. Lợi ích và cái giá phải trả khi theo đuổi đam mê

Lợi ích

  • Hiệu suất làm việc cao hơn: Đam mê giống như “cánh phản lực” giúp bạn làm nhanh hơn trong công việc. Khi thực sự yêu thích điều mình làm, công việc không còn là gánh nặng mà trở thành niềm vui và động lực.
  • Tạo động lực mạnh mẽ: Khi làm việc với đam mê, bạn dễ dàng có được năng lượng tích cực và cảm giác thăng hoa. Thay vì nhìn đồng hồ đợi hết giờ, bạn sẽ thấy công việc trôi qua nhanh hơn.
  • Khả năng vượt qua khó khăn tốt hơn: Đam mê giúp bạn kiên trì hơn khi đối mặt với thử thách. Điều này không có nghĩa là khó khăn biến mất mà bạn sẽ có động lực để vượt qua chúng mạnh mẽ hơn.
  • Liều thuốc “tiên” cho sức khỏe tinh thần: Đam mê là nguồn năng lượng tích cực, giúp bạn giữ tinh thần phấn chấn ngay cả trong những lúc khó khăn. Nó giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, cải thiện sức khỏe tinh thần một cách bền vững.

Cái “giá” phải trả

  • Tiền bạc và thời gian: Theo đuổi đam mê có thể khiến bạn phải đánh đổi tài chính và thời gian. Bạn có thể gặp khó khăn về tài chính trong những giai đoạn đầu tiên, hoặc phải đầu tư thời gian dài mà chưa thấy kết quả ngay.
  • Mông lung, mệt mỏi: Đam mê không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui. Có lúc bạn sẽ cảm thấy hoang mang, kiệt sức và căng thẳng kéo dài.
  • Phản đối từ người khác: Theo đuổi đam mê có thể khiến bạn vấp phải sự phản đối từ những người xung quanh, đặc biệt là khi kết quả chưa rõ ràng. Bạn cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những lời phê bình và nghi ngờ từ gia đình, bạn bè.
Như đã đề cập, đam mê phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân, từ nhu cầu hiện tại, thời điểm trong cuộc sống đến khả năng chịu đựng và kiên trì của bạn. Bạn có sẵn sàng chấp nhận những đánh đổi này không? Câu trả lời nằm ở chính bạn.

 


  1. Cách tìm kiếm đam mê của bản thân

Một phương pháp hiệu quả để tìm kiếm đam mê là sử dụng mô hình 3 vòng tròn với ba câu hỏi cơ bản: “Bạn yêu thích điều gì?”, “Bạn giỏi điều gì?”, và “Xã hội cần điều gì?”. Giao thoa của ba yếu tố này sẽ giúp bạn xác định đam mê của mình một cách rõ ràng hơn.
Trước hết, bạn cần tìm sự giao thoa giữa hai yếu tố đầu tiên: bạn yêu thích điều gì bạn giỏi điều gì. Khi đã tìm thấy điểm giao thoa này, bước tiếp theo là xem xét yếu tố thứ ba: Xã hội có cần điều đó không. Việc có được sự kết nối giữa những gì bạn thích, giỏi và nhu cầu của xã hội sẽ giúp bạn định hình rõ ràng hơn đam mê của mình.

Nếu không biết mình giỏi gì và thích gì thì làm sao?

Đừng lo! Nếu bạn chưa biết mình thích gì hay giỏi gì, hãy bắt đầu bằng cách thử thật nhiều thứ. Trải nghiệm là chìa khóa để bạn khám phá bản thân. Hãy tham gia các hoạt động mới, thử sức với những điều chưa từng làm và không ngừng tìm kiếm dữ kiện từ chính những trải nghiệm đó. Bạn sẽ dần dần nhận ra điều gì làm bạn hứng thú và điều gì bạn làm tốt.
Giả sử bạn thích thiết kế và có kỹ năng sáng tạo (yếu tố giỏi), đồng thời bạn cũng yêu thích việc làm đồ thủ công (yếu tố yêu thích). Điểm giao thoa giữa hai yếu tố này là: Bạn phù hợp với việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm thủ công độc đáo. Sau đó, tìm hiểu xem thị trường có cần điều này không. Ví dụ, hiện nay mọi người đang rất ưa chuộng các sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường. Nếu bạn tìm thấy sự giao thoa giữa những gì bạn giỏi, yêu thích và nhu cầu thị trường, bạn đã gần như tìm ra được đam mê của mình.

Vòng tròn tạo nên Đam mê


  1. Những sai lầm phổ biến trong hành trình tìm kiếm đam mê

Trong quá trình tìm kiếm đam mê, có một số sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải:

3.1. Đợi đam mê đến với mình mới hành động:

  Nhiều người ngồi chờ đam mê đến gõ cửa, nhưng sự thật là đam mê không tự nhiên xuất hiện. Nếu bạn không hành động, không thử nghiệm, thì đam mê cũng không biết đường mà đến. Hãy chủ động làm những điều mới mẻ, bước ra khỏi vùng an toàn, và trải nghiệm để tìm ra điều khiến bạn thực sự yêu thích.

 

3.2. So sánh đam mê của mình với người khác

  Nhìn thấy người khác có đam mê và thành công, bạn dễ dàng rơi vào cảm giác so sánh và nghi ngờ bản thân. Ví dụ, bạn thấy bạn bè đam mê chơi nhạc và họ rất giỏi, nhưng bạn lại cảm thấy mình không có năng khiếu gì đặc biệt. Điều này dẫn đến hoang mang và mất định hướng. Nhưng đừng quên rằng mỗi người có một hành trình riêng, và đam mê của người khác không nhất thiết phải là đam mê của bạn. Hãy tập trung vào khám phá bản thân thay vì nhìn sang đam mê của người khác.

 

3.3. Đam mê phải tạo ra tiền

Không phải tất cả đam mê đều phải mang lại thu nhập ngay lập tức. Đôi khi, đam mê chỉ là thứ giúp bạn cân bằng cuộc sống, giúp bạn thư giãn và tìm thấy niềm vui. Bạn có thể giữ một công việc ổn định để đảm bảo tài chính và theo đuổi đam mê như một sở thích. Hãy nhớ rằng, đam mê không nhất thiết phải trở thành nguồn thu nhập chính để có giá trị.

 

3.4. Theo đuổi đam mê là mỗi ngày đi làm là một ngày vui

  Đam mê không phải là viên kẹo ngọt khiến mỗi ngày làm việc đều vui vẻ. Thực tế, theo đuổi đam mê cũng đi kèm với rất nhiều khó khăn và áp lực. Có những lúc bạn sẽ phải đối mặt với sự mệt mỏi, hoài nghi và cả sự dèm pha từ người khác. Nhưng đam mê giúp bạn có động lực để vượt qua những khó khăn đó. Và chính trong quá trình này, bạn sẽ học hỏi và trưởng thành hơn.

 


  1. Cách để nuôi dưỡng niềm đam mê bền vững

Để nuôi dưỡng đam mê lâu dài và bền vững, bạn có thể áp dụng những cách sau:
  • Tìm kiếm “bộ lạc” của bạn: Hãy tìm những người cùng đam mê với mình. Có một nhóm đồng hành sẽ giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, và tiếp thêm động lực trong những lúc khó khăn. Ví dụ, nếu bạn đam mê nhiếp ảnh, hãy tham gia các câu lạc bộ nhiếp ảnh để giao lưu và học hỏi. Bộ lạc của bạn sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn trên hành trình theo đuổi đam mê.
  • Hỏi ý kiến những người bạn ngưỡng mộ trong lĩnh vực: Nếu bạn đã tìm thấy đam mê của mình, hãy học hỏi từ những người đã thành công trong lĩnh vực đó. Điều này giúp bạn rút ngắn con đường phát triển, tránh những sai lầm không cần thiết. Ví dụ, nếu bạn đam mê viết sách, hãy tham khảo những người viết sách thành công để biết thêm về quá trình và thử thách thực tế.
  • Đánh đổi những thú vui vật chất để theo đuổi đam mê: Để nuôi dưỡng đam mê, đôi khi bạn cần sẵn sàng từ bỏ những niềm vui vật chất tạm thời, như việc dành thời gian cho giải trí hoặc mua sắm, để đầu tư vào phát triển đam mê. Ví dụ, thay vì đi du lịch thường xuyên, bạn có thể dành tiền và thời gian để học hỏi và phát triển kỹ năng trong lĩnh vực mà mình đam mê.

Lời kết

Hành trình tìm kiếm và theo đuổi đam mê không hề dễ dàng và đòi hỏi bạn phải đánh đổi những thú vui vật chất. Tuy nhiên, trái ngọt mà đam mê mang lại là sự thăng hoa trong cuộc sống, niềm hạnh phúc khi được làm những gì mình yêu thích. Vậy có nên tìm kiếm đam mê không? Câu trả lời phụ thuộc vào bạn. Hãy hỏi bản thân: 10 năm sau, liệu mình có hối tiếc vì không theo đuổi đam mê ngay từ bây giờ?