Bạn có biết một thế lực vô hình nhưng mạnh mẽ đang chi phối mọi quyết định và hành động của bạn hàng ngày? Đó chính là giá trị cốt lõi. Những giá trị này không chỉ giúp bạn xác định bản sắc cá nhân mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn đưa ra quyết định, xây dựng mối quan hệ và cảm nhận về sự hài lòng trong cuộc sống. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá giá trị cốt lõi là gì, tầm quan trọng của chúng và cách tìm ra cũng như ứng dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày.

1. Giá trị cốt lõi là gì?
Giá trị cốt lõi (core values) là những nguyên tắc, tiêu chuẩn và lý tưởng mà mỗi cá nhân xem là quan trọng nhất. Chúng là kim chỉ nam giúp định hướng quyết định, hành động và phản ứng của chúng ta trong mọi tình huống.
Danh sách giá trị cốt lõi cá nhân phổ biến có thể kể đến:
-
Lòng dũng cảm
-
Sức sáng tạo
-
Độ tin cậy
-
Sự trung thực
-
Tính độc lập
-
Tình yêu thương
-
Sự chân thành
-
Tri thức
-
Sự phát triển
-
Sự giàu có
-
Gia đình
-
Sức khỏe
-
Tình bạn
-
…
Về mặt thần kinh học, hiểu đơn giản giá trị cốt lõi là những đường truyền vô cùng vững chắc trong não bộ khi nghĩ về một chủ đề nào đó. Chúng đóng vai trò như “bộ lọc” thông tin, giúp nhận diện và định hứng cách phản ứng trước vô vàn những sự kiện bên ngoài. Khi hành động theo giá trị cốt lõi, các đường truyền này được kích hoạt và tạo ra cảm giác thỏa mãn, giúp củng cố và duy trì những giá trị đó.
2. Tầm quan trọng của giá trị cốt lõi
Định hình bản sắc cá nhân (Identity)
Giá trị cốt lõi là nền tảng để xác định bạn là ai và điều gì thực sự quan trọng đối với bạn. Chúng giúp bạn hiểu rõ bản thân, từ đó xây dựng bản sắc cá nhân một cách vững chắc và rõ ràng.
Khi bạn nhận biết và sống đúng với những giá trị này, bạn sẽ cảm thấy mình có mục đích và ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Điều này cũng giúp bạn tự tin và kiên định trong các quyết định và hành động của mình.
Đem đến sự hài lòng khi đưa ra quyết định
Giá trị cốt lõi là kim chỉ nam dẫn đường giúp bạn đưa ra các quyết định phù hợp với bản thân. Khi hành động theo những giá trị này, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn với những quyết định của mình. Bởi vì những quyết định này phản ánh đúng con người bạn và những gì bạn coi trọng, bạn sẽ ít cảm thấy hối hận hoặc mâu thuẫn nội tâm.
3. Giá trị cốt lõi đến từ đâu?
Giá trị cốt lõi hình thành từ hai yếu tố chính:
-
Di truyền và bản năng: Một số giá trị có sẵn từ khi sinh ra, ảnh hưởng từ gene.
-
Môi trường và trải nghiệm: Một số giá trị lại được hình thành thông qua gia đình, giáo dục, xã hội và các trải nghiệm cuộc sống.
Ví dụ: Một người lớn lên trong gia đình luôn đề cao việc học hành có thể sẽ coi trọng giáo dục và kiến thức. Ngược lại, người trải qua tuổi thơ khó khăn, thường phải đối mặt với nghèo khó có thể sẽ coi trọng sự ổn định tài chính và an toàn.
4. Giá trị cốt lõi có thay đổi theo thời gian không?
Đường truyền thần kinh một khi đã hình thành sẽ rất bền vững. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể biến đổi bởi một số điều kiện nhất định. Dưới tác động của môi trường, trải nghiệm sống và sự tự điều chỉnh của con người mà giá trị cốt lõi có thể thay đổi cả về mức độ và thể loại. Đặc biệt, chúng có thể thay đổi đột ngột trước những sự kiện tác động mạnh mẽ về mặt cảm xúc.
Ví dụ: Khi còn trẻ, giá trị cốt lõi của bạn có thể là sự nghiệp và thành công. Tuy nhiên, khi trưởng thành và kết hôn, giá trị này có thể chuyển thành sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Cuộc sống luôn biến động và mỗi giai đoạn đều mang đến những thách thức và cơ hội mới. Giá trị cốt lõi cũng cần được điều chỉnh linh hoạt để giúp bạn thích nghi và phát triển trong mọi hoàn cảnh.
5. Xác định giá trị cốt lõi của bản thân bằng cách nào?
Tìm kiếm
Tìm hiểu danh sách các giá trị phổ biến và chọn ra những giá trị quan trọng nhất với bạn. Bạn có thể tham khảo trên Internet hoặc các tài liệu tâm lý học để tìm ra khoảng 10 giá trị chính, sau đó lọc lại còn 5 giá trị ưu tiên nhất.
Quan sát phản ứng
Nhận biết cách bạn phản ứng trước tình huống cụ thể. Điều này giúp bạn nhận ra những giá trị nào đang chi phối hành động và quyết định của bạn.
-
Bạn có xu hướng phản ứng thái quá trước những tình huống như thế nào? Điểm chung của chúng là gì? Điều này có thể tiết lộ giá trị cốt lõi bạn coi trọng.
-
Đôi lúc trong cuộc sống, khi đưa ra quyết định bạn cảm thấy rất mâu thuẫn, khó chịu. Lý do có phải đến từ sự mâu thuẫn giá trị sống nào đó của bạn không? Nếu có, đó là tình huống vi phạm giá trị gì?
Đặt câu hỏi
Hãy tự hỏi:
-
“Nếu sở hữu một lượng tài sản khổng, tôi sẽ làm gì?”
-
“Điều gì là quan trọng nhất với tôi?”
Câu trả lời sẽ tiết lộ giá trị sâu bên trong bạn.
Ví dụ, nếu bạn chọn sử dụng tiền để du lịch khắp nơi, giá trị cốt lõi của bạn có thể là sự khám phá và học hỏi. Nếu bạn chọn đầu tư vào giáo dục, giá trị của bạn có thể là tri thức và sự phát triển cá nhân.
Tưởng tượng về tương lai
Tưởng tượng bạn trong tương lai được phỏng vấn vì đã sống một cuộc đời đáng ngưỡng mộ. Bạn muốn nói gì về mình? Điều này tiết lộ giá trị mà bạn theo đuổi.
7. Ứng dụng giá trị cốt lõi cá nhân vào cuộc sống
Đưa ra quyết định
Giá trị cốt lõi giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt và nhất quán. Ví dụ, nếu giá trị của bạn là sự trung thực, bạn sẽ chọn nói thật ngay cả khi điều đó khó khăn. Khi phải quyết định giữa các lựa chọn, hãy cân nhắc xem lựa chọn nào phù hợp nhất với giá trị cốt lõi của bạn. Điều này giúp bạn cảm thấy hài lòng và tự tin với quyết định của mình.
Phản ứng trước những lời khuyên
Khi nhận được lời khuyên từ người khác, hãy lọc chúng qua lăng kính giá trị cốt lõi của bạn. Không phải lời khuyên nào cũng phù hợp với hoàn cảnh và giá trị của bạn. Hãy lắng nghe nhưng cũng cần biết cách chọn lọc. Ví dụ, nếu giá trị cốt lõi của bạn là sự độc lập, bạn có thể không hoàn toàn đồng ý với lời khuyên phụ thuộc vào người khác để giải quyết vấn đề.
Chọn nghề, nơi làm việc, người yêu hay bạn bạn đời
Quyết định chọn nghề nghiệp, nơi làm việc, người yêu hay bạn đời nên dựa trên sự phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn. Ví dụ, nếu bạn coi trọng sự giúp đỡ và chăm sóc người khác, bạn có thể suy nghĩ đến nghề bác sĩ hoặc nhân viên xã hội. Trong việc chọn người yêu hay bạn đời, bạn sẽ ưu tiên những người có giá trị tương đồng, như tôn trọng gia đình, trung thực và biết chia sẻ.
Phản ứng trong các mối quan hệ
Hiểu và tôn trọng giá trị của người khác giúp bạn xây dựng mối quan hệ bền vững. Khi xảy ra mâu thuẫn, hãy cố gắng hiểu giá trị cốt lõi của đối phương trước khi phản ứng. Nếu bạn biết bạn mình coi trọng sự trung thực, bạn sẽ tránh nói dối hoặc che giấu sự thật. Tương tự, bạn cũng cần chia sẻ giá trị của mình để người khác hiểu và tôn trọng.
Điều chỉnh hành vi
Giá trị cốt lõi giúp bạn điều chỉnh hành vi để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và hướng tới mục tiêu trong tương lai. Khi gặp mâu thuẫn, thay vì phản ứng một cách nóng nảy, bạn hãy chiêm nghiệm về những lý do ẩn sâu để đưa ra những quyết định hợp lý và phù hợp với giá trị cốt lõi của mình.
Định hướng tương lai
Giá trị cốt lõi không chỉ giúp bạn sống đúng với hiện tại mà còn định hướng cho tương lai. Khi lập kế hoạch, hãy xác định mục tiêu dựa trên giá trị của bạn. Ví dụ, nếu giá trị của bạn là sự cống hiến cho cộng đồng, bạn có thể lên kế hoạch tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc chọn nghề nghiệp có thể giúp đỡ người khác. Điều này giúp bạn cảm thấy hài lòng và ý nghĩa trong cuộc sống.
8. Lời kết
Giá trị cốt lõi giống như chiếc la bàn giúp bạn định hướng trong cuộc sống, đưa ra quyết định sáng suốt và xây dựng mối quan hệ bền vững. Việc nhận biết và sống đúng với giá trị của mình không chỉ giúp bạn đạt được sự hài lòng và tự tin mà còn mang lại ý nghĩa và mục đích thực sự trong cuộc sống. Khi dành thời gian để khám phá, hiểu rõ và điều chỉnh giá trị của mình, bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng, bình an và hạnh phúc đích thực, sống một cuộc đời đúng với bản sắc cá nhân và những gì bạn trân trọng nhất.