Quá khứ giống như một bộ phim chiếu rạp và bạn là khán giả lẫn diễn viên chính. Ký ức dù đau buồn hay vui vẻ đều là những phân cảnh sống động, tái hiện trong tâm trí mỗi khi bạn hồi tưởng. Niềm vui thì dễ quên nhưng nỗi buồn vẫn dai dẳng bám theo bạn không rời. Để vượt qua tổn thương và sống một cuộc đời hạnh phúc, bạn cần làm gì? Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời trong bài viết hôm nay của Webetter nhé!

1. Tại sao việc nhớ lại những tổn thương khiến bạn đau buồn hơn?

1.1. Vì não bộ “ưu ái” suy nghĩ tiêu cực

Mỗi khi nhớ lại quá khứ, đó không phải là ký ức mờ nhạt mà là những thước phim sống động, sắc nét. Não bộ của bạn nhanh chóng tái hiện sự kiện cũ với chế độ “HD” đầy màu sắc, cảm xúc và âm thanh. Đây là lý do tại sao mỗi khi hồi tưởng, bạn lại cảm thấy đau buồn, tổn thương như thể mọi chuyện vừa mới xảy ra hôm qua.
Không chỉ tái tạo lại những kỷ niệm mà não bộ còn khuếch đại cảm xúc, làm cho nỗi đau trở nên mạnh mẽ, dữ dội hơn. Sự “thiên vị” của não bộ đối với suy nghĩ tiêu cực khiến bạn dễ dàng rơi vào vòng xoáy đau khổ, chán nản.
Ví dụ: Khi bạn nhớ lại lần bị từ chối tình cảm, não bộ không chỉ nhớ đến câu nói “Không!” của đối phương mà còn tái hiện cảm giác xấu hổ, buồn bã và thất vọng. Điều này làm bạn cảm thấy như đang sống lại khoảnh khắc đau lòng đó, làm kéo dài nỗi đau thêm một đoạn nữa.

1.2. Vì những tổn thương quá khứ chưa được chữa lành

Nếu bạn không để ý đến những tổn thương trong quá khứ và cứ vô thức nhớ lại chúng, mỗi lần ký ức “sống dậy” sẽ giống như việc tự lấy dao cứa vào vết sẹo cũ. Vết thương chưa kịp lành lại bị rách toạc, tiếp tục chảy máu và đau đớn. Chúng cứ tiếp diễn như một vòng lặp không có hồi kết.
Chẳng hạn như khi nhớ lại ký ức bị bạn thân phản bội, bạn sẽ cảm thấy đau đớn như thể vừa bị lừa dối thêm lần nữa. Vết thương chưa lành hẳn đã bị khuấy động, làm cho bạn không thể nào quên được nỗi đau ấy.

2. Quá khứ không ngủ yên mà vẫn âm thầm điều khiển hiện tại – tương lai

2.1. Chi phối suy nghĩ và hành xử

Quá khứ không chỉ là những ký ức thoáng qua mà còn xuất hiện thường xuyên trong suy nghĩ và chi phối cách bạn hành xử. Ví dụ, bạn từng bị giáo viên phê bình trước lớp vì không làm bài tập về nhà. Kể từ đó, bạn luôn cảm thấy lo sợ khi phải phát biểu trước đám đông, dù hiện tại bạn đã trưởng thành và có nhiều kiến thức hơn.

2.2. Định hình bản sắc cá nhân không lành mạnh

Những trải nghiệm trong quá khứ hình thành nên một phần trong bản sắc (Identity) của bạn.
Nếu lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, điều đó có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận về tình yêu và gia đình. Bạn có thể tự ti, không tin tưởng vào khả năng của bản thân và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai nếu không được giải quyết.

2.3. Lãng phí thời gian và suy nghĩ tiêu cực

Mỗi lần nhớ về quá khứ, bạn có thể mất nhiều thì giờ để suy nghĩ và cảm thấy đau buồn. Điều này không chỉ khiến bạn phí phạm thời gian mà còn tạo ra những suy nghĩ tiêu cực, làm giảm năng lượng và động lực sống.
Chẳng hạn như mỗi lần nhớ lại những thất bại trước đây, bạn cảm thấy mình không có đủ khả năng làm gì cả. Điều này làm bạn mất rất nhiều thời gian suy nghĩ mà không thực hiện bất cứ hành động nào. Thay vì tiến lên phía trước, bạn cứ dậm chân tại chỗ và lo sợ về những gì đã xảy ra.

3. Vượt qua tổn thương quá khứ bằng cách nào?

Thời gian có thể xoa dịu nỗi đau từ quá khứ, nhưng quá trình hàn gắn thường rất lâu và không phải lúc nào cũng hiệu quả. Thậm chí, dù đã trải qua hàng chục năm, vết thương lòng vẫn chưa lành hẳn và bất cứ lúc nào cũng có thể quay lại làm bạn đau đớn thêm một lần nữa.
Điều này giống như việc bạn bị thương ở chân và không được chữa trị đúng cách. Vết thương có thể lành theo thời gian, nhưng nếu không chăm sóc và giữ gìn, sẽ dễ dàng tái phát mỗi khi có va chạm nhỏ. Tương tự, tổn thương từ quá khứ nếu không được xử lý, sẽ luôn nằm đó và chờ cơ hội bùng phát.
Ví dụ như khi bạn bị phản bội trong tình yêu. Khi mới xảy ra, nỗi đau có thể rất lớn và thời gian trôi qua làm dịu đi cảm giác tổn thương. Nhưng chỉ cần một sự việc nhỏ gợi nhớ lại, như gặp lại người cũ hay thấy một cảnh tình yêu tan vỡ trên phim, nỗi đau lại bùng lên dữ dội. Điều này có nghĩa là, chỉ thời gian thôi là chưa đủ để chữa lành hoàn toàn.
Để vết thương nhanh lành hơn, bạn cần chủ động trong việc sơ cứu, băng bó và không tiếp tục tự làm tổn thương chính mình bằng cách nhận ra:

3.1. Bước 1: Bạn có quyền lựa chọn!

Bạn từng nghĩ quá khứ giống như những tảng đá nặng trĩu đang kéo bạn xuống vực sâu? Không hẳn! “Có ai vừa sinh ra đã đeo trên mình những tảng đá đâu…”
Bạn cần nhận thức được rằng mình có quyền lựa chọn cách đối diện với quá khứ:
  • Tiếp tục để chúng đeo bám, hành hạ và kìm hãm.
  • Tìm hiểu chúng dưới góc độ LÀM CHỦ.

Hãy tưởng tượng quá khứ giống như một con ngựa hoang, bạn có thể chọn để nó làm tổn thương hoặc thuần phục nó. Một người từng trải qua tuổi thơ khó khăn có thể chọn cách đổ lỗi cho quá khứ và sống trong sự tự ti, hoặc họ có thể chọn học cách vượt qua, dùng những khó khăn đó làm động lực để vươn lên và thành công trong cuộc sống.
Nhận thức được bản thân có quyền lựa chọn sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc đối mặt với quá khứ. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên con đường chữa lành tổn thương.

3.2. Bước 2: Kiểm tra quá khứ và giải phóng chúng bằng REBT và NLP

Cách 1: Sử dụng REBT (Rational Emotive Behavior Therapy)

REBT là phương pháp trị liệu giúp bạn thay đổi suy nghĩ để quản lý cảm xúc và hành vi một cách lành mạnh hơn.
Trước đây bạn nghĩ: Sự kiện → Cảm xúc → Hành vi.
Thực tế: Sự kiện → Suy nghĩ → Cảm xúc → Hành vi.
Điều đó có nghĩa là: Bạn hoàn toàn có thể thay đổi cảm xúc và hành vi bằng cách thay đổi suy nghĩ của bản thân. Khi nhớ về một sự kiện trong quá khứ, bạn có nhiều suy nghĩ khác nhau. Việc của bạn là chọn suy nghĩ nào có lợi cho mình.
Ví dụ về cách sử dụng REBT để thay đổi suy nghĩ khi đối diện với quá khứ:
Ví dụ 1:
Sự kiện: Bạn bị sếp phê bình nặng nề trong cuộc họp.
Suy nghĩ 1: “Mình thật kém cỏi, không bao giờ làm tốt được việc này.”
  • Cảm xúc: Buồn bã, thất vọng.
  • Hành vi: Chán nản, không muốn cố gắng nữa.
Suy nghĩ 2: “Mình chẳng thể nào làm vừa lòng sếp, mình sẽ luôn bị phê bình.”
  • Cảm xúc: Chán nản, lo lắng.
  • Hành vi: Làm việc kém hiệu quả, căng thẳng.
Suy nghĩ 3: “Sếp không hiểu hết tình hình, mình cần cải thiện cách trình bày.”
  • Cảm xúc: Tích cực hơn, quyết tâm.
  • Hành vi: Lên kế hoạch cải thiện kỹ năng.
Ví dụ 2:
Sự kiện: Bạn nhận được điểm kém trong kỳ thi quan trọng.
Suy nghĩ 1: “Mình thật vô dụng, chẳng bao giờ đạt được mục tiêu.
  • Cảm xúc: Thất vọng, chán nản.
  • Hành vi: Bỏ cuộc, không muốn tiếp tục cố gắng.
Suy nghĩ 2: “Mình không đủ thông minh để vượt qua những kỳ thi này.”
  • Cảm xúc: Tự ti, buồn bã.
  • Hành vi: Từ bỏ, không học tập nữa.
Suy nghĩ 3: “Mình cần thay đổi phương pháp học tập.”
  • Cảm xúc: Hy vọng, quyết tâm.
  • Hành vi: Tìm kiếm phương pháp mới, học hỏi từ sai lầm.

Tới lượt bạn! Hãy thử thực hành bài tập sử dụng REBT nhé!

Cách 2: Vận dụng NLP (Neuro-Linguistic Programming)

NLP giúp bạn thay đổi cách não bộ liên tưởng và tái định hình ký ức về tổn thương. Bằng cách này, bạn có thể giảm bớt tác động tiêu cực của quá khứ và nhìn nhận nó một cách tích cực hơn.
  • Trước đây: Bạn liên tưởng tổn thương từ quá khứ như một con quái vật gớm ghiếc, gây ám ảnh và sợ hãi.
  • Hiện tại: Bạn có thể tái định hình ký ức đó như một chú cún cưng đáng yêu cần được chăm sóc và yêu thương. Điều này giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn, dễ dàng chấp nhận và tha thứ. Hoặc bạn cũng có thể tưởng tượng mình là siêu anh hùng mạnh mẽ, đang chiến đấu và chiến thắng con quái vật quá khứ. Điều này giúp bạn cảm thấy tự tin và kiểm soát được tình hình.
  1. Lời kết

Quá khứ của bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có những ký ức vui vẻ và buồn đau. Bạn có quyền giữ lại những ký ức tốt đẹp và buông bỏ những tổn thương. Việc tái định hình ký ức đau buồn thành những bài học sẽ giúp bạn trưởng thành và sống hạnh phúc hơn.
Ký ức đau buồn đã xảy ra và không thể thay đổi được. Nhưng bạn thì có! Bạn hoàn toàn có thể thay đổi suy nghĩ: “Thực ra quá khứ không tệ lắm đâu!” và xem chúng như người bạn quý giá giúp bạn hoàn thiện bản thân để tiến về phía trước.